tintức

Cảnh giác với kiểu bán gas lừa đảo

 

Kể từ đầu tháng 7.2008, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xuất hiện tình trạng một số người của các cơ sở sang chiết gas trái phép đi đến từng nhà xin vào kiểm tra bình gas, sau đó họ dán những đề-can có in số điện thoại và nhãn hiệu các công ty gas lớn lên bình gas, nhưng các đề-can này không có địa chỉ. Nhiều người tiêu dùng khi  hết gas đã gọi số điện thoại này thì có người mang bình gas đến thay, thế nhưng các bình này luôn luôn thiếu trọng lượng.

Có trường hợp như gia đình chị Hoàng Thị Kim Anh (chung cư Trung tâm thương mại Sóng Thần, Bình Dương) gọi gas theo một số điện thoại trên đề-can. Bình gas mới được thay chỉ sử dụng được 2 ngày là hết. Khi chị gọi lại số điện thoại này, có người đến kiểm tra rồi báo “bình gas bị hư van khiến gas bị xì”. Chị Kim Anh đã phải thay chiếc van đầu bình do người này bán với giá 620.000 đồng, trong khi giá thực sự của chiếc van này chỉ từ 30-40.000 đồng, loại van tốt nhất cũng chỉ từ 80-90.000 đồng. Biết bị lừa, chị gọi lại số điện thoại trên thì người cầm máy đầu dây bên kia trắng trợn trả lời: “Lừa được đến đâu hay đến đó”. Được biết, hầu hết các hộ sống trong chung cư này đều bị dán những đề-can này lên bình gas theo cách thức nói trên. Nhờ tổng đài kiểm tra thì được biết các số điện thoại này có địa chỉ không rõ ràng.

Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp cũng bị lừa đảo theo kiểu như vậy. Gia đình chị Nguyễn Thị  Mai Hương (tổ 11, Đồng An, Bình Dương) sau khi gọi gas theo một số điện thoại trên đề-can cũng chỉ sử dụng bình gas trong vòng 20 ngày là hết, ít hơn nhiều so với thời gian sử dụng bình thường của gia đình chị. Gọi lại, đại lý này cho mang bình gas mới đến, khi gia đình chị Hương cân thử thì thấy thiếu 3-4 kg. Đại lý này lại tiếp tục mang bình khác đến đổi, nhưng 4 lần đổi như vậy vẫn không có bình gas nào đủ trọng lượng. Lần sau cùng, các nhân viên này đã... đi thẳng không quay lại.

Đại diện công ty gas Petro Vietnam, đơn vị có thị phần lớn ở khu vực này, cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều trường hợp có người đến đổi bình gas thiếu trọng lượng, lừa gạt người tiêu dùng nhưng chỉ có thể trông đợi vào các cơ quan chức năng xử lý. Cách duy nhất để người tiêu dùng tự bảo vệ mình là gọi gas của những đại lý lớn, có uy tín”. Không chỉ lừa gạt người tiêu dùng, bình gas của các hãng lớn cũng bị những người này chiếm dụng để sang chiết trái phép.

 

Cả nước hiện có 70 công ty kinh doanh gas nhưng chỉ có 40 công ty có đăng ký nhãn hiệu vỏ bình gas. Những vụ chiếm dụng bình gas, lừa gạt người tiêu dùng xuất hiện ngày càng nhiều. Tính toán sơ bộ của các công ty gas cho thấy trong năm 2007, nhà nước đã thất thu khoảng 84 tỉ đồng vì gas lậu. Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng vừa kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành một văn bản pháp quy mới trong năm nay để quản lý thị trường gas.

                                                                                                                                    Trích ThanhnienOnline.