tintức

Công ty gas trần tình về việc tăng giá khủng

Trước những cáo buộc các công ty kinh doanh gas làm giá, các công ty gas cho biết, họ tăng vì giá thế giới lên cao.

Sau khi tăng giá hai lần vào đầu tháng 1 (lên 24.000 đồng và 8.000 đồng), giá gas tiếp tục điều chỉnh thêm 42.000 đồng bình 12 kg vào đầu tháng 2, đẩy giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 423.000-425.000 đồng. Nhiều người tiêu dùng chuyển qua dùng bếp điện để tiết kiệm gas.

"Khi giá thế giới lên thì mình lên, giá xuống thì mình xuống. Với lần tăng giá đầu tháng này, CP (hợp đồng thế giới) tăng tới 145 USD một tấn đạt 1.025 USD một tấn", ông Lê Phúc Đại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Việt Vinagas phân trần. Theo ông Đại, các công ty kinh doanh gas, hệ thống phân phối, đại lý... chỉ điều chỉnh giá khi giá thế giới biến động vào đầu tháng.

"Lãi gộp của các công ty gas khoảng vài trăm đồng một kg, khi điều chỉnh giá chúng tôi đều có bảng kê và mức dự kiến lợi nhuận gửi Sở Tài chính xem xét. Các công ty kinh doanh gas mấy năm qua hầu như ít có lời, nếu bắt tay nhau làm giá thì mọi đơn vị đã lãi to", ông Đại nói.

Thực tế, giá bán cao đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Vinagas, số lượng bình gas hãng này bán ra đã giảm khoảng 10% so với trước. Sài Gòn Petro cũng khẳng định khi giá thế giới tăng cao thì các công ty cũng buộc lên theo.

"Thời điểm 2005-2006, Tổng công ty Khí bán thấp hơn giá thế giới nhưng ưu tiên cho đơn vị thành viên khiến các công ty phải nhập khẩu gas khiếu nại. Vì vậy sau này giá gas trong nước đã ngang với nhập khẩu", một chuyên gia kinh doanh gas nhận xét.

Giá gas tăng cao gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng. Ảnh: Kiên Cường
Giá gas tăng cao gây khó khăn cho người tiêu dùng. Ảnh: Kiên Cường

Đối với các đại lý, ông Đại cho biết hiện mức hoa hồng khoảng 30.000-40.000 đồng bán một bình 12 kg, thực chất con số này không nhiều do các đơn vị này còn phải chịu thêm tiền chuyên chở, đầu tư cơ sở... Ngoài ra, các đại lý phải cạnh tranh nhau nên có chi phí quà tặng riêng cho khách hàng.

Đại diện một công ty kinh doanh gas khác tại TP HCM thừa nhận có tình trạng các doanh nghiệp tăng chi phí hoa hồng cho đại lý để giành thị phần. Với tổng đại lý, lãi gộp chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng bình 12 kg.

Còn theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam, khi nói các công ty bắt tay nhau làm giá thì phải có cơ sở. "Quy định của Bộ Tài chính, giá gas thị trường Việt Nam phụ thuộc giá thế giới", ông Thắng phản bác lại các thông tin cáo buộc doanh nghiệp gas bắt tay làm giá. Hiệp hội gas cho biết có 30 doanh nghiệp đầu mối được quyết định giá bán, giá đến tay người tiêu dùng của các doanh nghiệp này chỉ chênh nhau 5.000-10.000 đồng.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Thanh tra Sở Tài chính TP HCM cho rằng với mức giá thế giới lên 19% (đầu tháng 2), các công ty gas tăng 12% là tương đối hợp lý. "Chúng tôi vẫn đang triển khai kiểm tra đồng loạt các công ty kinh doanh gas trên địa bàn về việc tăng giá bán", đại diện Thanh tra nói.

Để giá nhiên liệu đốt có thể hạ nhiệt phần nào, Hiệp hội gas đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu từ mức 5% xuống 2% như cũ và nếu được chấp thuận, giá gas sẽ giảm 8.000 đồng.

"Một giải pháp khác là Tổng công ty Khí áp dụng bình ổn giá khi giá tăng cao", ông Đại đề xuất. Tổng công ty Khí hiện chiếm 80% nguồn gas của Việt Nam (40% trong nước, 40% nhập khẩu)

Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ tăng giá gas bất hợp lý. Gas chưa nằm trong mặt hàng định giá của liên Bộ, Bộ Công thương đang xem xét đưa gas vào danh sách này.

Kiên Cường
Theo VnExpress